Pages

Friday 30 April 2021

Shakespeare: 20 điều thú vị, và thuyết âm mưu

Đây là 2 bài tôi viết cho báo Trẻ nhân tháng 4, tháng sinh và tháng mất của William Shakespeare, nhưng không được đăng, nên để ở đây. 


20 CHI TIẾT THÚ VỊ VỀ WILLIAM SHAKESPEARE

Tháng 4 là tháng của William Shakespeare (1564-1616), nhà thơ và nhà viết kịch, nhà văn vỹ đại và có ảnh hưởng nhất của Anh quốc hoặc thậm chí, theo nhiều người, của thế giới nói chung. Sau đây là vài chi tiết thú vị về cuộc đời và tác phẩm của Shakespeare, có lẽ bạn chưa biết. 

1/ Shakespeare sinh ra ở Stratford-upon-Avon, Warwickshire, Anh, bởi vậy được gọi là the Bard (thi sỹ) of Stratford-upon-Avon. Những người không tin Shakespeare thực sự là Shakespeare được gọi là anti-Stratfordian, tuy nhiên đa phần các học giả đều xem đây là thuyết âm mưu và không tự gọi mình là Stratfordian để thành ngang hàng với đám dở hơi kia. 

2/ Không ai biết ngày sinh chính xác của Shakespeare, chỉ biết được làm lễ rửa tội ngày 26/4/1564. Tuy nhiên người ta thường mừng sinh nhật Shakespeare ngày 23/4, cũng là tưởng niệm ngày mất. 

3/ Cha của Shakespeare là John Shakespeare, thợ làm găng tay và ủy viên hội đồng địa phương. John Shakespeare sinh ở Snitterfield, cũng may là dọn sang sống ở Stratford-upon-Avon nên hậu thế không phải biết tới William Shakespeare là thi sỹ của Snitterfield. 

Mẹ là Mary Arden. 

4/ Trước William, John và Mary có vài người con trai khác nhưng chết lúc nhỏ, nên William trở thành con trai cả trong nhà. 

5/ Bằng chứng hiện nay không còn, nhưng các nhà nghiên cứu lâu nay đều đồng ý là William lúc nhỏ đi học ở trường văn phạm mới của nhà vua (King’s new grammar school) ở Stratford. Không học đại học. 

6/ Năm 18 tuổi, William Shakespeare kết hôn với Anne Hathaway, lớn hơn 8 tuổi và đang mang thai. Một chi tiết thú vị là, một ngày trước khi hai người bạn ký surety £40 để đảm bảo tài chính cho đám cưới của “William Shagspere và Anne Hathwey”, đăng ký giám mục ở Worcester có một giấy đăng ký kết hôn giữa Shakespeare và Anne Whateley của Temple Grafton. Đây là chi tiết gây tranh cãi bao lâu nay—Anne Whateley chính là Anne Hathaway nhưng viết sai trong hệ thống, hay là người hoàn toàn khác? Nếu cùng là một người, giải thích thế nào về câu Anne Whateley đến từ Temple Grafton trong khi Anne Hathaway đến từ Shottery, cùng thuộc Warwickshire nhưng là làng khác? Tuy nhiên, không có một giấy tờ hay dấu vết nào khác về sự tồn tại của Anne Whateley của Temple Grafton. 

7/ Tên của Shakespeare được đánh vần hàng tá cách khác nhau: Shakespere, Shackspeare, Shakespear, Shakspere, Shaxspere, Shaxper, Shakspeare, Shackespeare, Shackspere, Shackespere, v.v… 

Những người theo thuyết âm mưu thường bảo đấy là bằng chứng Shakespeare không phải là tác giả các vở kịch nổi tiếng mà chỉ là một thằng cha bá láp ở Stratford không biết chữ và không viết nổi tên mình, nhưng thật ra tiếng Anh thời này rất linh hoạt, mỗi chữ có thể được đánh vần nhiều cách khác nhau, chưa được chuẩn hóa, và các tác giả khác cùng thời cũng viết tên mình nhiều cách khác nhau như vậy. Chẳng hạn, Christopher Marlowe có khi viết là Cristofer Marley, Christopher Marlen, Morley, Marlin, v.v… 

8/ 6 tháng sau đám cưới, Shakespeare và Anne có một con gái là Susanna. 2 năm sau, có một cặp sinh đôi là Hamnet và Judith. Hamnet, con trai duy nhất của Shakespeare, chết khi mới 11 tuổi, không rõ lý do.  

9/ 1585-1592 được gọi là những năm mất tích (lost years) vì dấu vết không còn và chẳng ai biết Shakespeare làm gì trong những năm đó, trước khi trở thành nhà viết kịch ở London. Trong suốt sự nghiệp sau đó, Shakespeare chia thời gian giữa hai nơi là London và Stratford. 

10/ Người ta thường gọi Shakespeare là nhà văn thời Elizabethan, nhưng cũng thuộc thời Jacobean. Những tác phẩm lớn nhất của Shakespeare như “Macbeth”, “Othello”, “King Lear”, “The Tempest”…là viết dưới thời vua James (James VI của Scotland, James I của Anh). 

11/ Trong khi một số nhà viết kịch khác chuyển công ty, Shakespeare gần như cả đời gắn với một công ty kịch là The Lord Chamberlain’s Men, sau này đổi tên thành The King’s Men, do được vua James I bảo trợ. 

12/ Shakespeare có cộng tác với các nhà viết kịch khác trong những năm đầu và những năm cuối của sự nghiệp, nhưng đa phần viết một mình. 

13/ Shakespeare viết nhiều thể loại kịch khác nhau và thành công xuất sắc trong mọi thể loại: bi kịch (như “Romeo and Juliet”, “Macbeth”, “Othello”, “King Lear”, “Hamlet”…), hài kịch (như “A Midsummer Night’s Dream”, “Much Ado About Nothing”, “Twelfth Night”...), và lịch sử (Henriad, 2 nhóm kịch, mỗi nhóm 4 vở, làm về giai đoạn Richard II sang Henry IV, Henry V, Henry VI). Đây là cách chia loại khi Shakespeare được xuất bản chính thức lần đầu tiên. Sau này các học giả xếp một số tác phẩm vào 2 thể loại khác là problem plays (không phải bi hay hài, như “Measure for Measure”, “Troilus and Cressida”…) và romances (“The Winter’s Tale”, “The Tempest”…). 

14/ Không chỉ viết kịch và diễn xuất, Shakespeare còn là nhà thơ, viết 154 bản sonnet, ba bản thơ tường thuật dài (narrative poem) là “Venus and Adonis”, “The Rape of Lucrece”, và “A Lover’s Complaint”, cùng vài bài thơ rải rác đây kia. 

15/ Sonnet là dạng thơ có từ Ý, có 14 dòng. Sonnet ở Ý (nổi nhất là Petrarch) có cấu trúc hai phần (octave và sestet) và theo vần ABBAABBA cho octave, CDECDE hoặc CDCDCD cho sestet. 

Tuy nhiên sang Anh, thể sonnet thay đổi, theo cấu trúc 3 khổ 4 câu (quatrain) với một đôi kết (couplet). Tiếng Anh cũng khó vần hơn tiếng Ý, nên sonnet ở Anh theo hệ vần ABAB CDCD EFEF GG. 

Sonnet của Shakespeare được chia thành hai nhóm: viết cho fair youth (một người đàn ông trẻ tuổi) và dark lady (vào thời Shakespeare, dark không nhất thiết có nghĩa gốc Phi mà có thể nói màu da nâu nói chung hoặc chỉ màu tóc đen).  

Đây là một trong những điều được tranh cãi bao lâu nay, về danh tính của fair youth và dark lady. Tuy nhiên, nhiều học giả cho rằng Shakespeare, cũng như nhiều nhà thơ khác cùng thời, không xem thơ là tự truyện mà chỉ chọn hình ảnh đàn ông và dark lady để đi ngược với quy ước của thể loại sonnet. 

16/ Trong “Romeo and Juliet”, một đoạn đối thoại giữa Romeo và Juliet khi gặp lần đầu tiên có thể ghép lại thành một bài sonnet. 

17/ Kịch của Shakespeare không được xuất bản chính thức khi còn sống—bản First Folio được hai người bạn John Heminges và Henry Condell xuất bản năm 1623, 7 năm sau khi Shakespeare chết. Khi tác giả còn sống, các vở kịch cũng được in và bán dưới dạng quarto, không chính thức và thường không chính xác. Tuy nhiên, những người theo thuyết âm mưu thường tung tin là không có tác phẩm nào gắn tên Shakespeare khi còn sống, đó là sai—tên Shakespeare gắn với “Venus and Adonis” và “The Rape of Lucrece” và các bài thơ sonnet, dù các bản sonnet có vẻ được xuất bản không có sự đồng ý của tác giả. 

Thời Shakespeare chưa có khái niệm bản quyền như thời nay—kịch viết ra là thuộc quyền công ty, không phải của người viết. Chưa kể, kịch chỉ bị xem là chơi, là play—tới năm 1616 mới là lần đầu tiên được xuất bản như sách, như tác phẩm văn chương, và đó là kịch của Ben Jonson. 

18/ Trên mạng hay có nhiều người nói là trong thời của mình, Shakespeare không được đánh giá cao, chỉ bị coi là viết giải trí—điều này hoàn toàn sai. Tất nhiên tới tận thế kỷ 19, Shakespeare mới được nâng thành tác giả vỹ đại nhất của Anh, không ai sánh kịp, nhưng khi còn sống Shakespeare đã là một trong những tác giả được coi trọng nhất, cùng với Ben Jonson, Christopher Marlowe, v.v… Ben Jonson thậm chí còn nói Shakespeare là nhà văn của mọi thời đại (“He was not of an age but for all time!”). 

19/ Chỉ có khoảng 230 vở kịch từ thời đó còn tồn tại tới ngày nay, bao gồm 37-39 vở của Shakespeare, tức là khoảng 16%. 

20/ Có 3 bức chân dung thường được gắn với Shakespeare: Droeshout, Chandos, và Cobbe. 2 bức được gọi là Chandos portrait và Cobbe portrait thường được sử dụng nhiều do đẹp, nhưng không có bằng chứng đó thực sự là Shakespeare. Bức khắc Droeshout xuất hiện trên First Folio, khi kịch của Shakespeare được xuất hiện lần đầu tiên, nhưng không rõ độ chính xác là bao nhiêu vì là di cảo. 


Hải Di Nguyễn 


Nguồn 

“Shakespeare: The World as Stage” của Bill Bryson. 

“Shakespeare” của Anthony Burgess. 

 


SHAKESPEARE CÓ PHẢI LÀ SHAKESPEARE? 

Tháng 4 là tháng tưởng niệm William Shakespeare (1564-1616), văn hào vỹ đại nhất của nước Anh, hoặc theo nhiều người là nhà văn quan trọng nhất của thế giới nói chung. Shakespeare là tác giả của “Romeo and Juliet”, “Macbeth”, “Hamlet”, “Othello”, “Twelfth Night”, “As You Like It”, v.v… 

Một trong những chủ đề gây tranh cãi là về tác giả: Shakespeare liệu có phải là Shakespeare? Hay là người khác? 

Vì sao có cuộc tranh luận về danh tính tác giả? 

Vì William Shakespeare sinh ở Stratford-upon-Avon, Warwickshire, Anh quốc, những người cho rằng Shakespeare không phải là tác giả những vở kịch nổi tiếng được gọi là anti-Stratfordian. 

Phe anti-Stratfordian đưa ra nhiều lý do và lập luận để nói Shakespeare không phải là Shakespeare nhưng thật ra tất cả có thể chỉ tóm gọn lại một ý: Shakespeare, theo họ, không có đủ lai lịch và học vấn để viết những tác phẩm hay như vậy. Theo họ, một diễn viên kịch thuộc nhà loàng xoàng không phải quý tộc, có cha là thợ làm găng tay, bản thân lớn lên ở tỉnh lẻ, chỉ học trường văn phạm và không học đại học, không thể viết những tác phẩm bất hủ và trở thành nhà văn hào vỹ đại nhất của Anh như thế.  

Nguồn gốc câu hỏi về danh tính tác giả  

Một ý không phải ai cũng nhắc tới khi nói về cuộc tranh luận về danh tính tác giả (authorship debate) là nó có từ thế kỷ 19 (trong khi Shakespeare sống ở cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17) và bắt nguồn từ Ohio, Mỹ. 

Nói cách khác, không ai nghi ngờ danh tính tác giả khi Shakespeare còn sống, cũng không ai băn khoăn gì suốt vài thế kỷ sau đó—chỉ từ thế kỷ 19 mới có lần đầu tiên, một phụ nữ người Mỹ tên Delia Bacon cho rằng các vở kịch mang tên Shakespeare thật ra là của một nhóm cùng viết, đứng đầu là Francis Bacon. 

Theo “Contested Will” của James Shapiro, một cuốn sách đi sâu vào cuộc tranh cãi này, đây là giai đoạn dậy lên cái gọi là higher criticism hay historical criticism, đặt nghi vấn về tác giả của Kinh thánh hay về danh tính của Homer (nhà thơ Hy Lạp cổ đại, được xem là tác giả của “Iliad” và “Odyssey”), nên không có gì lạ Delia Bacon cũng đặt ra câu hỏi về danh tính thật sự của Shakespeare và nhiều người ở Mỹ lẫn Châu Âu đều bị cuốn vào đó, bao gồm những tên tuổi lớn như Mark Twain, Sigmund Freud, Henry James, Helen Keller, v.v… 

Các ứng cử viên khác

Theo Wikipedia, cho đến nay đã có khoảng 80 cái tên khác nhau được đưa ra là “Shakespeare thật sự”. 

2 thuyết chính, với nhiều người theo nhất, là về Francis Bacon và Edward de Vere. 

Francis Bacon, Tử tước (Viscount) St Alban thứ nhất (1561-1626) là một nhà triết học, chính khách, và essayist người Anh, cha đẻ của chủ nghĩa duy nghiệm (empiricism) và một trong những gương mặt quan trọng nhất của cuộc cách mạng khoa học ở Châu Âu. Hiện nay có lẽ không có mấy người quan tâm tới Francis Bacon, nhưng vào thế kỷ 19, ông được xem là một những người hiểu biết uyên bác nhất của Anh, hoặc Châu Âu nói chung. Sự uyên bác của Francis Bacon gần như là lý do chính khiến một số người, bắt đầu từ Delia Bacon, cho rằng đây mới là tác giả những vở kịch của Shakespeare, nhưng phải giấu nhẹm đi và để ông diễn viên Stratford đứng tên để không ảnh hưởng sự nghiệp chính trị. 

Một số người nghĩ Francis Bacon để code trong các vở kịch về danh tính của mình, và thậm chí họ còn bỏ hàng năm tìm kiếm và giải mã code chứng minh Bacon mới là tác giả. 

Thuyết Baconian là thuyết phổ biến nhất một thời gian, rồi bị thay thế vị trí số một bởi thuyết Oxfordian, về Edward de Vere, Bá tước (Earl) thứ 17 của Oxford (1550-1604). Edward de Vere có xuất bản vài bài thơ và vở kịch làng xoàng, chẳng mấy người để ý tới, và ngày nay chủ yếu vẫn còn được nhắc đến không phải vì những tác phẩm ký tên Earl of Oxford mà chỉ vì một số người nghĩ đó là tác giả thật sự ẩn sau cái tên William Shakespeare. Thuyết Oxfordian bắt nguồn từ một giáo viên người Anh tên J. Thomas Looney, chỉ vì cuộc đời Edward de Vere có vài điểm khớp với chi tiết xuất hiện đây kia trong kịch Shakespeare; 13 trong số 37-39 vở kịch lấy bối cảnh ở Ý, Edward de Vere đã du lịch nhiều nơi và thậm chí từng sống ở Ý, trong khi không có vẻ gì Shakespeare từng qua Ý; và Looney cho rằng Shakespeare thật sự phải thuộc tầng lớp quý tộc. 

Trên thực tế, không ai tìm được bất kỳ bằng chứng nào liên hệ Bacon, Oxford, hay bất kỳ ai khác với các tác phẩm của Shakespeare. 

Bằng chứng cho Shakespeare 

Ngược lại, mọi bằng chứng còn sót lại, dù không nhiều, đều cho thấy Shakespeare chính là Shakespeare của Stratford-upon-Avon. Phe nghi ngờ thường quên rằng giới văn chương của London rất hạn hẹp, ai cũng biết ai—Ben Jonson, một trong những nhà văn quan trọng nhất thời đó, quen Shakespeare và từng viết một bài thơ ca ngợi; bản thân Shakespeare và công ty kịch The Lord Chamberlain’s Men từng xuất hiện trước mặt nữ hoàng Elizabeth lẫn vua James; John Heminges và Henry Condell, hai người giúp chính thức xuất bản các vở kịch lần đầu tiên là bạn của Shakespeare và thuộc cùng công ty. 

Nói về lai lịch hay học vấn, một số nhà văn quan trọng cùng thời cũng có nguồn gốc tương tự Shakespeare: Christopher Marlowe có cha là thợ đóng giày, Ben Jonson là con của thợ nề và cũng chẳng học đại học. Một số người khăng khăng là tác giả phải thuộc dòng dõi quý tộc mới viết được về giới thượng lưu, nhưng trong tác phẩm của Shakespeare cũng có tầng lớp thấp, nhà nghèo, đám tội phạm, gái điếm…—dùng cùng lập luận, làm sao các ông như Edward de Vere biết được tầng lớp này? Hơn nữa, kịch Shakespeare có nhiều hình ảnh hoặc ẩn dụ về đồng quê Warwickshire hoặc liên quan đến ngành làm găng tay da (như cha Shakespeare). 

Các dấu vết còn sót lại (chẳng hạn đôi khi Shakespeare viết nhân vật cho một diễn viên cụ thể nào đó nên viết lộn tên diễn viên thay cho tên nhân vật) cho thấy tác giả phải là người đang làm việc trong công ty kịch, biết bạn diễn gồm có ai, khả năng thế nào, diễn được loại vai nào, nếu viết một vai khó (như cần nói được tiếng Welsh hoặc biết chơi nhạc) thì có người để đóng không, v.v…, chứ không phải một ông quý tộc ngồi viết từ xa rồi tuồn ra. 

Quan trọng hơn hết, Edward de Vere chết năm 1604, sau đó vẫn xuất hiện nhiều tác phẩm khác của Shakespeare như “King Lear”, “Macbeth”, “Antony and Cleopatra”... và nhiều vở kịch cũng thay đổi phong cách sau khi công ty kịch của Shakespeare chuyển sang một nhà hát khác, với điều kiện hoàn toàn khác—một điều Edward de Vere không thể đoán trước. 

Nhiều lập luận chống Shakespeare cũng bắt nguồn từ thiếu hiểu biết hoặc hiểu sai về thời Elizabethan hay Jacobean. Chẳng hạn, nhiều người nói Shakespeare không nhắc gì tới sách vở hay bản thảo trong di chúc, nhưng di chúc thời đó chỉ nói sơ sơ vài thứ, không kể hết mọi của cải đồ đạc của người viết. 

Vậy tại sao một số người vẫn nghi ngờ danh tính của Shakespeare, và đi theo thuyết Baconian, Oxfordian, hay một thuyết khác? 

Có trời mới biết được. Người ta có thể theo thuyết âm mưu vì hàng ngàn lý do, không cần logic hay bằng chứng. Trong trường hợp này, một số người chỉ đơn giản không thể chấp nhận con trai một thợ làm găng từ tỉnh lẻ có thể trở thành đại văn hào vỹ đại nhất nước Anh và thay đổi cả Anh ngữ. 

Nhưng bằng chứng chẳng hướng tới ai khác, ngoài William Shakespeare của Stratford-upon-Avon.  


Hải Di Nguyễn 


Nguồn 

“Shakespeare: The World as Stage” của Bill Bryson

“Contested Will” của James Shapiro 

https://en.wikipedia.org/wiki/Shakespeare_authorship_question 

No comments:

Post a Comment

Be not afraid, gentle readers! Share your thoughts!
(Make sure to save your text before hitting publish, in case your comment gets buried in the attic, never to be seen again).