Pages

Saturday 26 October 2019

Kể chuyện đi dịch ở Anh

Di Nguyen (Viết tháng 5, 2019) 

Ở Leeds, ngoài giờ đi học, tôi đi làm thêm bằng cách làm thông dịch viên—thường ở phòng khám, bệnh viện, đôi khi tới nhà dịch giữa midwife và phụ nữ mang thai. 
Là thông dịch viên, tôi tất nhiên không có quyền kể chi tiết và tiết lộ thông tin của người mình dịch cho, nhưng từ lúc đi dịch, tôi biết được nhiều chi tiết thú vị. 
1/ Phần lớn người Việt tôi gặp ở Anh là từ miền Bắc hoặc miền Trung, đặc biệt từ Nghệ An. 
Thống kê cho thấy, ở Anh, 65% người Việt là từ miền Bắc . 
2/ Người Việt ở phía bắc nước Anh thường không mở nhà hàng. Riêng ở Leeds, chỉ có 2 tiệm là nhà hàng Viet Guy ở khu vực trung tâm và The Viet Baker ở Headingley; và một quầy bánh mì và đồ ăn vặt tên Banh& Mee trong chợ Kirkgate. Cả ba đều của chủ người Bắc. 
Ngoài ra ở Trinity có tiệm Pho, nhưng đây là một tiệm của chủ người Anh, đầu bếp cũng không phải người Việt, và thức ăn không thực sự theo kiểu Việt Nam. 
3/ Người Việt ở Anh, hay ít nhất ở phía bắc, thường làm nail. 
Ở miền bắc nước Anh, không hiểu vì lý do gì, công nghệ làm đẹp rất phát triển, như thể trên đường cứ 2 cửa hàng lại có một beauty salon—nếu không cắt tóc thì làm móng, hoặc làm lông mày, hoặc chăm sóc da, hoặc spa, hoặc waxing… Rất nhiều tiệm, đặc biệt làm móng, là của người Việt, hay ít nhất trong khu vực trung tâm của Leeds, đa phần các tiệm nail tôi biết là của người Việt (trong khi đó các tiệm làm lông mày thường là của dân gốc Nam Á).  
Tuy nhiên, chỉ gần google một chút là dễ dàng thấy rất nhiều bài báo nói về tình trạng ngược đãi lao động trong cộng đồng người Việt ở Anh, đặc biệt trong tiệm nail: 
https://www.thesun.co.uk/news/6400848/viatnamese-nail-salons-britain-organised-crime-map/
https://www.theguardian.com/commentisfree/2018/jan/05/nail-bars-modern-slavery-discount-salons-booming-exploitation
https://travellingjezebel.com/vietnamese-nail-bars-human-trafficking/
https://www.theweek.co.uk/93911/nail-salons-used-as-a-front-for-modern-slavery
https://www.dailymail.co.uk/news/article-5780551/Is-high-street-nail-bar-organised-crime.html
Các bài báo nhắc tới điều kiện làm việc, tình trạng ngược đãi lao động, tình trạng buôn người, nô lệ thời hiện đại, chuyện dùng tiệm nail làm nơi rửa tiền, sử dụng nhân viên không có giấy tờ để ở lại Anh, v.v… 
Một lần đi dịch, tôi gặp một nữ hộ sinh. Bà ấy bảo cũng từng đi làm móng, nhưng từ khi đọc về tình trạng nô lệ và buôn người của người Việt ở tiệm nail, cách nhìn của bà ấy về các tiệm nail hoàn toàn khác. 
4/ Trong khi đó, nhiều người Việt khác bị buôn bán vào Anh để đi “trồng cỏ” (trồng cần sa). 
5/ Bản thân tôi, khi đi thông dịch, đã từng gặp người là nạn nhân của nạn buôn người. 
Người này từng bị hành hạ, đánh đập đến chấn thương đầu và nhiều nơi khác. 
6/ Tôi cũng đã gặp người Việt sống ở Anh không có giấy tờ. 
Hãy tưởng tượng sống một thân một mình ở nước ngoài, người thân không có, ngôn ngữ không biết, luật pháp không rành, không có giấy phép ở lại, và ở trong vị trí phải phụ thuộc vào người khác, dễ dàng bị lợi dụng và lừa gạt. Giả sử bạn sống ở Anh, một chữ cắn đôi cũng không biết, làm sao bạn biết bạn có quyền lợi gì và được luật pháp bảo vệ? Tôi là thông dịch viên, đó là công việc của tôi nên tôi phải dịch đàng hoàng chính xác, nhưng nếu trong hoàn cảnh khác bạn không hiểu gì đó và nhờ ai đó giải thích, làm sao biết được người đó có dịch đúng và bảo vệ quyền lợi của bạn hay không? 
Có một lần tôi đi dịch cho một chị còn khá trẻ, không có giấy tờ, ở Anh gần như một mình, chỉ có bạn, bây giờ sinh con đầu lòng, gia đình không có bên cạnh, bạn trai cũng không giúp đỡ, còn ngôn ngữ thì không biết, ở trong vị trí rất dễ tổn thương nên cái gì cũng sợ, thấy con khóc cũng sợ, rồi chỉ chuyện vỗ cho con ợ sau khi bú cũng hỏi đi hỏi lại vì không có mẹ ở bên để hỏi. 
7/ Khá nhiều người Việt tôi gặp mang thai sau khi sống ở Anh chỉ một thời gian ngắn, điều kiện không rõ ràng, thậm chí ngay cả khi chưa có giấy tờ chính thức. 
Khác Mỹ, Anh không có luật birthright citizenship—sinh ở Anh không có nghĩa là sẽ tự động có quốc tịch Anh, ít nhất cha hoặc mẹ phải là công dân hoặc có thẻ xanh . Ở Na Uy cũng vậy. 
8/ Người không có giấy tờ và không có quyền chính thức ở lại Anh vẫn được nhận y tế miễn phí khi mang thai. 
Như đã nói trước kia, người ta thường ca ngợi hệ thống y tế ở Bắc Âu nhưng ở Na Uy, đi bác sỹ vẫn phải trả tiền, chỉ khi vào bệnh viện với miễn phí, trong khi ở Anh, đi bác sỹ không phải tốn xu nào, dù tôi không phải là công dân, chỉ phải trả tiền thuốc. 
Với người không giấy tờ, tôi biết là thông thường healthcare chỉ miễn phí nếu có số NHS (National Health Service—dịch vụ y tế quốc gia), nhưng theo tôi thấy, phụ nữ mang thai, dù không có giấy tờ ở lại, vẫn có nữ hộ sinh tới thăm và theo dõi sức khỏe thai nhi, vẫn có support worker, vẫn được tham gia các lớp học cho cha mẹ, và vẫn có thể tới bệnh viện sinh con và không trả phí. 
Luật pháp Anh cũng cho phép NHS không cần cung cấp thông tin cá nhân của bệnh nhân với Home Office (bộ phận của chính phủ Anh lo về nhập cư và an ninh) . 
9/ Không phải ai cần thông dịch viên cũng là người Việt mới qua. 
Tôi thường đi dịch ở bệnh viện và phòng khám, và nhân viên thường hỏi sống ở Anh được bao lâu. Vài lần, câu trả lời là trên 30 năm. 
Ít nhất một lần, một y tá từng nói với tôi, lạ thật, ở đây trên 30 năm mà vẫn không nói được tiếng Anh. Tôi không biết nói gì, câu này tôi không dịch. 
10/ Khi tôi đi dịch và bảo tôi là sinh viên, người Việt thường có 2 câu hỏi cửa miệng là “có giấy tờ chưa?” và “học xong có ở lại không?”. 
Có lần một chị hỏi “thế bạn trai em làm gì? Có giấy tờ chưa?”. Tôi thấy buồn cười, một lúc rồi mới nói bạn trai tôi người Anh. Nhưng thế mới thấy nỗi ám ảnh của người Việt ở Anh—có giấy tờ chưa và sau này có ở lại không. 
Đi làm thông dịch, tôi học được nhiều thứ, cảm thấy mình may mắn, và chỉ thấy buồn vì nhiều người phải bỏ nước mà đi, dễ dàng bị kẻ khác lợi dụng và ngược đãi. 

Di Nguyen




1: https://en.wikipedia.org/wiki/Vietnamese_people_in_the_United_Kingdom 
2: https://www.bbc.co.uk/news/av/26443575/victims-trafficked-from-vietnam-to-work-on-illegal-uk-cannabis-farms 
3: https://www.gov.uk/check-british-citizenship/your-parents-immigration-status-when-you-were-born 
4: https://www.theguardian.com/society/2018/may/09/government-to-stop-forcing-nhs-to-share-patients-data-with-home-office 


3 comments:

  1. que interesante... no puedo hablar esta lengua desgraciadamente... tengo solamente ingles, un poco Espanol y menos Aleman... bueno suerte con este!

    ReplyDelete
  2. after i typed the above, i realized that your post might have to do with the poor hapless victims in the refrigerator truck... that's indeed a terrible tragedy and what a world we live in that allows such a thing to happen... condolences...

    ReplyDelete
    Replies
    1. The article above was written in May, about my experience as a Vietnamese interpreter. I'm publishing it again now indeed because of the Essex tragedy.

      Delete

Be not afraid, gentle readers! Share your thoughts!
(Make sure to save your text before hitting publish, in case your comment gets buried in the attic, never to be seen again).