Từ bài "Vấn đề ngôn ngữ trong văn chương lưu vong" của Hoàng Ngọc- Tuấn (http://www.tienve.org/home/viet/viewVietJournals.do?action=viewArtwork&artworkId=195):
"[...]
9
Một trường hợp khác cũng khiến ta phải suy nghĩ: trường hợp Vladimir Nabokov. Giống với Conrad, Nabokov chọn tiếng Anh để viết; nhưng khác với Conrad, Nabokov đã xuất bản chín tác phẩm bằng tiếng mẹ đẻ - Nga ngữ - trước khi chuyển sang tiếng Anh. Nabokov được học Anh ngữ từ thuở nhỏ với một gia sư người Anh và, khi lớn lên, ông tốt nghiệp văn chương tại đại học Cambridge với hạng tối ưu danh dự. Nhưng lý do khiến ông chuyển từ Nga ngữ sang Anh ngữ không phải đơn giản chỉ vì ông có khả năng viết tiếng Anh ngoại hạng. Hai tác phẩm đầu tiên bằng Anh ngữ của ông, The Real Life of Sebastian Knight (1941) và Bend Sinister (1947), không được một số phê bình gia xem có giá trị ngang tầm những tác phẩm hay nhất bằng Nga ngữ trước đó của ông. Và chính ông cũng đã thú nhận rằng tiếng Anh của ông không thể nào so với tiếng Nga của ông: "Tấn bi kịch của riêng tôi, một tấn bi kịch không thể, đúng ra là không nên, để bất cứ ai phải lưu tâm, đó là tôi đã từ bỏ ngôn ngữ tự nhiên của tôi, thành ngữ tự nhiên của tôi, tiếng Nga phong phú, phong phú và thuần thục vô hạn của tôi, để đổi lấy thứ ngôn ngữ hạng hai là tiếng Anh." Vậy tại sao ông đã chọn tiếng Anh để viết suốt đời còn lại?
Ta hãy nhìn lại cuộc sống và viết của ông để thấy mọi sự rõ ràng hơn. Khi còn ở Nga, ông đã xuất bản hai tập thơ tiếng Nga. Khi sang Anh, ông lại cho ra đời hai tập thơ tiếng Nga nữa. Từ 1922 đến 1940, Nabokov sống ở Đức và Pháp, và bắt đầu sáng tác tiểu thuyết, nhưng vẫn tiếp tục viết hoàn toàn bằng tiếng Nga. Những năm viết tiểu thuyết Nga ngữ là những năm ông sống trong nghèo đói và hầu như vô danh. (Chỉ đến sau này, khi ông đã lừng danh với những tác phẩm Anh ngữ, những tiểu thuyết Nga ngữ mới dần dần được lưu ý và đánh giá đúng mức.) Tất cả tiểu thuyết bằng Nga ngữ của ông chỉ được xuất bản với số lượng rất nhỏ ở Berlin và Paris. Hai cuốn đầu tiên được dịch sang Đức ngữ, nhưng số tiền ông lãnh được từ nhà xuất bản chỉ đủ để ông chi vào những cuộc đi bắt bươm bướm (ông yêu côn trùng học và đã công bố 18 luận văn khoa học về ngành này.) Không có một tác phẩm Nga ngữ nào mang đến cho ông hơn vài trăm đô-la. Ông phải sống bằng nhiều nghề: dạy tennis, dạy tiếng Nga và Anh, làm diễn viên hậu cảnh cho những cuốn phim hạng bét. Ông thường mô tả kiểu sống và viết của ông trong thời gian ở Đức và Pháp như một kiểu sống bám vào cái "bất động sản không tưởng" ("unreal estate") của ký ức và nghệ thuật Nga.
Khi sang định cư ở Mỹ, ông nhận ra rằng trong suốt thời gian ở Âu châu ông đã vấp phải một sai lầm nghiêm trọng khiến cả sự nghiệp văn chương có thể dẫn đến sụp đổ: ông đã nỗ lực hoài công tìm kiếm trong một quá khứ đã quá cũ và xa tầm tay một khởi đầu mới cho sức sống văn chương. Nếu ông chỉ loay hoay mãi với tiếng Nga, ông chỉ có thể kéo dài sự nghiệp của một nhà văn Nga ở nước ngoài - một sự nghiệp khốn khổ vì khó được đánh giá đúng mức. Tiếng Nga, dù là tiếng của một cường quốc, không phải là thứ tiếng dễ mở rộng trên trường quốc tế. Bản dịch những tác phẩm của ông, nói cho cùng, vẫn không thể nào diễn đạt hết những điểm xuất sắc về văn chương và tư tưởng trong nguyên tác tiếng Nga. Nhận ra như thế, nhưng để một nhà văn yêu nước phải bỏ đi tiếng mẹ đẻ của một đại quốc có nền văn học rực rỡ và lâu đời quả không dễ dàng. Nabokov bày tỏ rằng, đối với ông - một người đã bắt rễ rất sâu xa vào văn chương Nga - việc sử dụng Anh ngữ làm văn chương là một công tác "đau đớn quá sức - như thể phải tập lại từ đầu để cầm nắm đồ vật với hai bàn tay đã bị tạc đạn làm mất hết bảy tám ngón." Dù có khả năng Anh ngữ ngoại hạng, và đã tự dịch tiểu thuyết Despair vào năm 1936 (nhà John Long xuất bản tại Luân Đôn năm 1937), Nabokov cũng phải cảm thấy sự khó khăn cực độ khi bắt đầu nhảy hẳn vào Anh ngữ. Ông chưa bao giờ tỏ ý hài lòng với bản dịch đó của chính mình và, suốt đời còn lại, không bao giờ cố gắng tự dịch một lần nào nữa. Ông còn thấy rất rõ rằng, chỉ có tiếng mẹ đẻ mới chở hết được những gì ông muốn thể hiện trong tác phẩm sinh ra từ cách suy nghĩ của một nhà văn mang tính cách Nga đậm đặc, nhắm tới những độc giả chủ yếu là người Nga.
Khi quyết định nhảy vào Anh ngữ, Nabokov phải cố gắng vượt qua chính quá khứ của mình, vứt bỏ những ám ảnh đầy chất Nga, để nhắm đến những đề tài mới cho một sức sống văn chương mới mà đối tượng độc giả là con người trên đất Mỹ và thế giới. Tiểu thuyết The Real Life of Sebastian Knight, tác phẩm đầu tiên bằng Anh ngữ của Nabokov, bộc lộ rất rõ những cố gắng này: nó là một diễn từ nhằm ôn lại cả quá khứ của nhà văn và tuyên bố một kết thúc cho quá khứ đó; đồng thời, nó khẳng định một thái độ dứt khoát hướng về tương lai. Trong tác phẩm này, Nabokov đã viết lại toàn bộ đời sống, suy nghĩ và tư duy sáng tác của Sebastian Knight, một nhân vật giả tưởng có tất cả những đặc tính của chính Nabokov. Sebastian Knight, một nhà văn Anh lưu vong trên đất Nga, không thể trở về cố quốc, nhất định tiếp tục sự nghiệp văn chương của mình bằng Anh ngữ vì tha thiết yêu tiếng mẹ đẻ. Trước khi qua đời, Knight đã hoàn tất năm tác phẩm xuất sắc bằng Anh ngữ, nhưng những tác phẩm này hầu như bị đánh giá hoàn toàn sai lầm, và bị quên lãng, vì không mấy ai ở Nga lưu tâm đến một nhà văn lưu vong người Anh. Chua chát thay, khi Knight chết, ông dùng tiếng Nga để viết bức thư cuối cùng cho người em; và hồ sơ lưu ở bệnh viện ghi nhận ông là một người Nga - một người Nga bình thường, chứ không phải là một người Anh, và cũng không phải là một nhà văn Nga. Câu chuyện gợi lên ý tưởng rằng, nếu Nabokov không muốn chấp nhận một cuộc đời vô vọng như nhân vật Sebastian Knight, thì ông không nên bước theo vết chân của nhân vật ấy. Thực ra, Nabokov đã sống, suy nghĩ, và viết như nhân vật Sebastian Knight suốt trong hai mươi năm ở Đức và Pháp. Knight thất bại trong cuộc sống và sự nghiệp văn chương vì y không chịu nhìn vào hiện tại và nhìn về phía trước, mà cứ quay lại sục sạo mãi trong một quá khứ đã mất để khóc than, oán trách, nguyền rủa, và tô vẽ ảo tưởng. The Real Life of Sebastian Knight, tác phẩm Anh ngữ đầu tiên của Nabokov, đánh dấu chấm hết cho nửa cuộc đời trước của ông, và mở ra một cuộc đời mới với một sức sống văn chương mới đầy triển vọng to lớn. Từ đó cho đến hết ba mươi sáu năm còn lại, Nabokov đã không ngừng tiến lên đến đỉnh cao của nghệ thuật văn chương thế giới.
10
Khi Nabokov bỏ tiếng Nga nhảy sang tiếng Anh, nhiều người trong giới văn chương Nga lưu vong đã không xem ông như một nhà văn Nga nữa. Thái độ này thật dễ hiểu. Họ chỉ muốn ông tiếp tục dùng tiếng Nga, kể lể mãi những vàng son cũ, để làm dáng cho giới cầm bút và cho cái cộng đồng lưu vong Nga khốn khổ, bế tắc, mù quáng, và không dám đối diện với cái bao la của sự tự do và tinh thần sáng tạo. Nhà thơ Nga lưu vong Joseph Brodsky, người suốt đời làm thơ bằng tiếng mẹ đẻ và đoạt giải Nobel văn chương năm 1987, cũng nhận thấy rằng phần đông những cây bút lưu vong rơi vào một đời sống cực kỳ cô đơn, chỉ còn có bản thân với tiếng mẹ đẻ và không còn gì khác. Ông nhìn tình trạng này qua một ẩn dụ chua chát: người viết lưu vong "giống như một con chó, hay một con người bị nhốt vào trong một cái cũi và ném vào không gian (dĩ nhiên giống con chó hơn con người, vì chẳng ai bõ công lôi bạn về lại với mặt đất). Và cái cũi chính là tiếng mẹ đẻ", và ông nói thêm: "... chẳng bao lâu tên hành khách trong cái cũi kia sẽ khám phá rằng cái cũi không bay về mặt đất mà bay luôn ra cõi ngoài." Vì trở ngại ngôn ngữ, nhiều người viết lưu vong không theo kịp nhịp điệu đương thời, nên rút về cố thủ trong những thành quách của quá khứ. Và tiếng mẹ đẻ là một thành quách vững chãi mà y còn giữ được. Theo cách nói của Brodsky, trước kia, tiếng mẹ đẻ là "cây kiếm"; giờ đây, nó biến thành "cái mộc", hay "cái cũi". Người viết lưu vong nằm sau cái mộc ấy, hay nằm trong cái cũi ấy, để tưởng về quá khứ, "đầu y cứ ngoái mãi về phía sau và nước mắt, nước miếng rơi ướt đầm cả hai vai." Không theo kịp hiện tại, y không dám nghĩ về tương lai, "y thực tình không muốn ngày mai đến, vì y biết rằng nó sẽ làm thay đổi những gì y ôm giữ", và "tương lai đe doạ chừng nào, y càng trở nên bảo thủ lỳ lợm chừng ấy." Đó chính là nguyên nhân tại sao phần nhiều văn chương lưu vong viết bằng tiếng mẹ đẻ mang một màu xám xịt cũ kỹ cả về ngôn ngữ văn chương, phong cách, và đề tài. Sau rất nhiều năm ở hải ngoại, nhiều cây bút vẫn còn tiếp tục lập lại và kéo dài kiểu viết từ những ngày còn trên cố quốc.
Những nhận xét của Brodsky giúp ta hiểu rõ Nabokov hơn. Ta thử hỏi nếu Nabokov cứ tiếp tục viết tiếng Nga, sống nghèo đói, và bị quên lãng, thì liệu ông làm gì được cho nước Nga và thế giới. Rời nước Nga năm 1919, lúc ông mới hai mươi tuổi, để sang Anh quốc, rồi lang thang ở Âu Châu và từ đó chưa bao giờ có dịp trở về, cái ám ảnh văn chương Nga đối với ông là cái ám ảnh của một nền văn chương dù vĩ đại nhưng đã cũ - nền văn chương từ đầu thế kỷ 20 trở về trước. Tiếng Nga của ông là tiếng Nga học được từ nền văn chương đó. Ông không được sống thực sự với con người và ngôn ngữ Nga của cuộc sống Nga đương thời. Thế nhưng, nhiệm vụ của ông, trước hết và trên hết, là sáng tạo văn chương cho thế giới của thế kỷ mà ông đang sống (tất nhiên có nước Nga trong thế giới đó, nhưng không phải nước Nga là tất cả thế giới đó).
Ta thử đặt một câu hỏi về nhiệm vụ nhà văn đối với tiếng mẹ đẻ: tại sao Nabokov không cố gắng viết tiếng Nga, và làm mới tiếng Nga như Neruda đã làm mới tiếng Tây Ban Nha? Để trả lời câu hỏi này, ta cứ so sánh trường hợp của ông và của Neruda. Trong khi Neruda viết tiếng Tây Ban Nha, ông biết rằng tác phẩm mình sẽ được đọc ở Chile, ở Châu Mỹ La-tinh, và ở Tây Ban Nha; ngược lại, trong khi Nabokov viết, ông biết chắc rằng tác phẩm của ông sẽ không thể được đọc ở Nga, ít nhất là đến hết đời ông. Thực vậy, ông qua đời năm 1977, và không thể tưởng tượng đến chừng nào những tác phẩm tiếng Nga của mình sẽ được người Nga trong nước đọc. Nếu ông cứ cố gắng làm mới tiếng mẹ đẻ, để rồi rất lâu sau khi ông qua đời tác phẩm mới vào được nước Nga, thì có lẽ khi ấy những cái gọi là độc sáng (thuở ông còn sống) sẽ không còn gì là độc sáng nữa. Và nếu thế, ông sẽ lại bị nước Nga đánh giá sai lầm (sau khi suốt đời đã bị thế giới đánh giá sai lầm). Nabokov cũng không cấp thiết phải thực hiện nhiệm vụ bảo tồn tiếng mẹ đẻ như Singer, vì Nga ngữ là một sinh ngữ quan trọng (chứ không phải là một thứ tiếng ít người nói như Yiddish), và nước Nga không có nguy cơ tuyệt chủng. Nabokov cũng không thể chia xẻ những kinh nghiệm lưu vong với lớp người Nga lưu vong sau Đệ nhị thế chiến (họ có những đề tài nóng hổi của họ, mà ông không có). Ông lại càng không thể bám mãi những đề tài trong quá khứ Nga mà ông đã chứng kiến (từ Đệ nhất thế chiến trở về trước) để viết. Do đó, dù rất đau đớn để bỏ tiếng Nga (nỗi đau đớn kéo dài suốt đời), ông vẫn phải bỏ, để được sống như một nhà văn thực sự, một nhà văn nói lên được những gì sinh động nhất, sâu sắc nhất của cuộc sống thực mình đang sống, của thế giới thực mình đang ở..."
____________________________________________________
Từ bài "Lưu vong như 1 phạm trù mỹ học" của Nguyễn Hưng Quốc (http://tienve.org/home/literature/viewLiterature.do?action=viewArtwork&artworkId=5040):
"... Nhưng ngoài ký ức tập thể, có điểm gì chung nhất giữa những người cầm bút lưu vong Việt Nam? Có vẻ như là ám ảnh về ngôn ngữ. Thật ra, người cầm bút lưu vong nào cũng bị ám ảnh bởi ngôn ngữ. Người Việt Nam lại càng bị ám ảnh bởi ngôn ngữ: một trong những niềm tự hào lớn nhất của người Việt Nam là, sau hơn một ngàn năm bị Trung Hoa đô hộ, họ vẫn giữ được một ngôn ngữ riêng. Dưới thời Pháp thuộc, với các nhà nho duy tân đầu thế kỷ 20, ngôn ngữ trở thành một “mặt trận” nơi sự lựa chọn giữa chữ Hán và chữ quốc ngữ trở thành một lựa chọn chính trị; với Phạm Quỳnh, sự tồn vong của ngôn ngữ được đồng nhất với sự tồn vong của tổ quốc: “… tiếng ta còn, nước ta còn”. Sống ở nước ngoài, ngôn ngữ trở thành một vấn đề phức tạp. Người cầm bút thường xuyên bị hỏi hoặc tự hỏi: viết bằng tiếng gì? Câu trả lời tuỳ nhiều yếu tố, cả lịch sử lẫn cá nhân. Nhiều nhà văn gốc Phi châu có thể thanh thản viết bằng tiếng Pháp, thứ ngôn ngữ, thoạt đầu, của đế quốc, sau, biến thành thứ tiếng chính thức ở nước họ. Nhiều nhà văn gốc Á châu, nhất là từ Ấn Độ, Philippines và Singapore có thể thoải mái viết bằng tiếng Anh mà không hề cảm thấy lạc lõng trong cộng đồng của họ. Với người cầm bút Việt Nam thì khác. Phần lớn giới cầm bút thuộc thế hệ thứ nhất đều chọn viết tiếng Việt. Đó là một chọn lựa khá tự nhiên nhưng lại đầy nhức nhối và càng ngày càng nhức nhối: người ta biết rõ cái giá mình phải trả, trong đó, cái giá lớn nhất là sự cô đơn. Độc giả đã ít, lại phân tán, xa xôi và hờ hững. Viết văn như hét vào miệng giếng, chỉ nghe tiếng mình vọng lại từ đáy nước thăm thẳm. Vừa viết vừa buồn. Vừa muốn chia sẻ lại vừa tuyệt vọng..."
____________________________________________________
Đã hiểu tại sao Vladimir Nabokov gần như không viết bằng tiếng Pháp dù có thể dùng tiếng Pháp như tiếng Anh và tiếng Nga.
____________________________________________________
"Và chính ông cũng đã thú nhận rằng tiếng Anh của ông không thể nào so với tiếng Nga của ông."
À vâng, tác giả của "Lolita"......
No comments:
Post a Comment
Be not afraid, gentle readers! Share your thoughts!
(Make sure to save your text before hitting publish, in case your comment gets buried in the attic, never to be seen again).